Màn hình có vai trò hiển thị hình ảnh để giao tiếp giữa người và máy tính, là bộ phận quan trọng không thể thiếu của máy tính. Bạn đã biết hết về các đặc tính về màn hình laptop của bạn chưa? Hãy tham khảo bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về các thông số quan trọng của màn hình laptop phổ biến nhất.
1. Độ phân giải màn hình
Đây là 1 thông số quan trọng cho biết số lượng các điểm ảnh hiển thị trên màn hình và được gọi là pixels. Tất cả loại màn hình đều có các điểm ảnh được sắp xếp theo 1 số hàng và số cột nhất định, độ phân giải được thể hiện bằng cách phép nhân giữa số hàng và số cột đó, ví dụ như 1024×768 hay 1920×1080… Các chỉ số này càng lớn thì màn hình hiển thị càng chi tiết. Màn hình HD và FHD khác nhau thế nào?
Sự khác nhau giữa màn hình HD và FHD
Màn hình HD: High Definition (nghĩa là độ nét cao) viết tắt là HD, độ phân giải màn hình là 1280×720 pixels. Ở độ phân giải này cho hình ảnh chân thực, rõ nét. Ngoài ra, các dòng laptop hiện nay thường được nâng cấp màn hình HD lên độ phân giải 1366×768 pixels (ta nhân 2 con số này với nhau sẽ được hơn 1 triệu điểm ảnh), cho hình ảnh hiển thị sắc nét hơn và cũng tương thích với màn hình tỷ lệ 16:9 phổ biến hiện nay. Màn hình FHD: Màn hình FHD có độ phân giải 1920 x 1080 pixel, nghĩa là có 1920 điểm ảnh ngang và 1080 điểm ảnh dọc. Nhân 2 con số này với nhau sẽ được 2.073.600 triệu điểm ảnh. Như vậy, 1 chiếc màn hình máy tính FHD sẽ cho hình ảnh chân thực, rõ nét gấp 2 lần so với màn hình độ phân giải HD. Màn hình HD và FHD rất phổ biến với các laptop. Sự khác biệt chính yếu ở 2 loại màn hình này là FHD sẽ hiển thị hình ảnh chất lượng hơn HD do nhiều điểm ảnh hơn. Vì vậy đa số các dòng laptop gaming đều được trang bị màn hình FHD để cho người dùng được trải nghiệm hình ảnh đồ họa sắc nét, chân thực hơn.
2. Màn hình TN và IPS khác nhau thế nào?
>Khi tìm hiểu thông tin về các dòng laptop, bạn có thể sẽ nhìn thấy tại thông số màn hình ghi là ”FHD IPS”. Như đã nói ở trên, chúng ta dễ dàng hiểu FHD là độ phân giải 1920×1080, còn IPS nghĩa là gì? IPS (viết tắt của cụm từ tiếng Anh In-plane Switching) là công nghệ hình ảnh ứng dụng trên các màn hình LCD (không chỉ với desktop, laptop mà còn được ứng dụng trên tablet, smartphone). Tấm nền TN là cấu trúc màn hình tinh thể đã áp dụng từ khá lâu và phổ biến ở các dòng TV tầm thấp trước đây. Tấm nền IPS đã khắc phục được các nhược điểm của tấm nền TN vốn đang được sử dụng trên phần lớn các màn hình laptop.
IPS đem lại hình ảnh chất lượng hơn, màu sắc tốt hơn và góc nhìn cũng rộng hơn. Vì vậy bạn có thể nhìn màn hình ở nhiều góc độ khác nhau mà vẫn đảm bảo chất lượng hình ảnh và màu sắc chân thực như khi đang nhìn chính diện màn hình.
Tấm nền IPS sẽ giúp hình ảnh hiển thị chân thực, sắc nét ở các góc rộng của màn hình
– Ưu điểm của IPS :
- Hiển thị hình ảnh sắc nét, màu sắc chân thực ở nhiều góc nhìn
- Mang đến góc nhìn rộng tới 1780.
- Màn hình IPS khi chạm vào sẽ không hiện sáng như tấm nền TN thường
Màn hình IPS không phát sáng khi chạm vào
– Nhược điểm của IPS :
- Laptop có trang bị màn hình IPS giá sẽ cao hơn laptop màn hình TN.
- Màn hình IPS tiêu tốn điện năng hơn 15% so với màn hình TN.
3. Tần số quét
Còn gọi là chỉ số chuyển động rõ nét, là tốc độ hiển thị hình ảnh mới trong vòng 1 giây, được tính bằng đơn vị Hz. 1 Hz tương đương với 1 khung hình/giây, màn hình có tần số quét là 100 Hz nghĩa là nó hiển thị 100 khung hình/giây. Màn hình laptop nào có tần số quét càng cao thì số khung hình trong 1 giây càng nhiều, cho ra hình ảnh chuyển động sắct nét và mượt mà hơn.
Tần số quét càng cao hình ảnh chuyển động càng mượt mà
Tần số quét hoạt động theo nguyên tắc vẽ lần lượt từng điểm từ trái sang phải thành 1 dòng trên màn hình, hết dòng trên xuống dòng dưới cho tới khi xong 1 khung hình. Bạn có thể rõ những laptop với tốc độ quét hình 120 Hz so với 60 Hz cho ra chuyển động mượt mà, hình ảnh mịn và xuất hiện nhanh hơn, tạo cảm giác thật hơn khi chơi game tốc độ cao. Các dòng laptop phổ thông thường có tần số quét 60 Hz là vừa đủ phục vụ mục đích học tập và những công việc văn phòng. Còn các dòng laptop gaming sẽ cần tần số quét cao hơn để đáp ứng nhu cầu trải nghiệm game tốc độ cao 1 cách mượt mà hơn. Hiện nay, laptop có tần số quét cao nhất là 240 Hz.
4. Công nghệ chống chói Anti-glare
Đa số các màn hình laptop hiện nay đều có màn hình chống chói Anti-glare. Vậy Anti-glare là gì? Thực ra thì nó vẫn giống những màn hình thông thường khác về bản chất nhưng được phủ 1 lớp chống chói giúp hấp thụ ánh sáng, không bị bóng gương. Lớp chống chói thường đục, nhám.
Màn hình chống chói (trái) và không chống chói (phải)
– Ưu điểm Anti-glare :
- Giúp chống lóa, chống chói, chống phản quang khi sử dụng laptop ngoài trời hoặc những nơi ánh sáng mạnh
- Giảm tình trạng mỏi mắt khi sử dụng laptop trong thời gian dài.
– Nhược điểm Anti-glare :
- Hình ảnh và màu sắc kém tươi hơn so với những laptop màn hình gương.
- Không có lớp kính cường lực để chống va đập nên dễ bị hư màn hình, hư điểm ảnh khi có vật nhọn đâm vào.
Dù có 1 số nhược điểm nhỏ về màu sắc kém tươi nhưng màn hình Anti-glare vẫn được trang bị cho nhiều dòng laptop đem lại tiện ích cho người dùng, nhất là những người làm việc văn phòng hay di chuyển nhiều.
5. Độ sáng màn hình NIT
Không chỉ riêng máy tính bàn, laptop mà độ sáng màn hình còn rất quan trọng với các thiết bị di động như smartphone, tablet,…Nit là đơn vị đo độ sáng màn hình, chỉ số nit càng cao nghĩa là màn hình có độ sáng càng lớn.
Laptop phổ thông có độ sáng từ 200-300 nit
Phần lớn người dùng laptop không để ý thông số này. Độ sáng trung bình của màn hình máy tính và các thiết bị di động từ 200-300 nit. Màn hình trên 300 nit được xem là tốt và trên 500 nit là rất tốt.
6. Màn hình sRGB
Màn hình sRGB là màn hình có thông số độ bao phủ màu dựa trên chuẩn sRGB. Hiện nay, RGB là giao thức ngôn ngữ màu phổ biến nhất và phổ quát cho các loại thiết bị ngoại vi chẳng hạn máy in và máy scan, các phần mềm ứng dụng cho màu sắc.
sRGB đại diện 3 sắc tố cơ bản là đỏ (Red), lục (Green), xanh (Blue). Nếu giá trị sRGB là 100% nghĩa là màn hình có thể hiển thị tất cả các màu sRGB, màu sắc khá rực rỡ và sắc nét hơn. Mức phổ biến của màn hình laptop là 96% đến 98%. Giá trị sRGB càng nhỏ thì khả năng hiển thị hình ảnh càng tệ.
Lời kết
Các thông số laptop ở trên chắc chắn bạn sẽ gặp khi tìm hiểu bất kỳ dòng laptop nào. Hy vọng qua bài viết này, các bạn sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích khi tham khảo chọn mua laptop cho phù hợp với nhu cầu bản thân nhé. Có thể bạn quan tâm : >> 3 mẫu laptop cũ cấu hình mạnh, siêu bền, giá tốt >> Chọn laptop cho sinh viên IT >> Khi mua laptop cũ, bạn cần lưu ý điều gì >> Tư vấn chọn laptop cũ giá rẻ cho sinh viên >> 10 thắc mắc phổ biến của khách hàng khi mua laptop cũ giá rẻ >> Hướng dẫn kiểm tra laptop cũ trước khi mua